Giới thiệu Câu lạc bộ Trăng Non

Từ những ngày đầu hình thành và phát triển…
Kể từ ngày thành lập đến nay, cái tên Trăng Non ngày càng trở nên quen thuộc hơn đối với cả những người hoạt động chuyên ngành lâm sàng tâm lý lẫn những thân chủ cần đến sự hỗ trợ về tâm lý… Trăng Non có thể được hiểu như một tập thể hoạt động khoa học (Chi Hội Trăng Non), hoặc như một cơ sở hoạt động chuyên môn (Câu lạc bộ Trăng Non), hoặc rộng hơn Trăng Non có thể được xem như một ý tưởng (chí hướng phát triển ngành nghề tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu tại Việt Nam)…
Chi hội Trăng Non được thành lập theo quyết định số 13/VP01 của Hội Tâm lý – Giáo dục họcTp.HCM (nay là Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Tp.HCM) do PGS. TS. Trần Tuấn Lộ (lúc bấy giờ là Chủ tịch Thành Hội) ký ngày 8-5-2001, với ba sáng lập viên gồm ông Nguyễn Minh Tiến (bác sĩ), bà Nguyễn Thị Thanh Điệp (nhân viên xã hội) và bà Nguyễn Thị Thuyên (đại diện phụ huynh).
Tên gọi chính thức đầu tiên mà Chi hội đăng ký hoạt động là Chi Hội Giáo dục và Hỗ trợ Gia đình Trẻ Thiểu năng Tâm trí (Association of Education and Family Support for Mentally Disabled Children) và “Câu lạc bộ Trăng Non” là tên gọi thông dụng (cũng được đăng ký chính thức) dành cho trụ sở hoạt động của chi hội. Về sau, các hoạt động chuyên môn của CLB mở rộng sang lĩnh vực tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu, không chỉ cho đối tượng trẻ em có các vấn đề khó khăn về tâm lý và phát triển, mà còn cho cả đối tượng vị thành niên, thanh niên và các gia đình có vấn đề khó khăn về tâm lý. Cái tên Trăng Non ngày càng được biết đến nhiều hơn với các hoạt động chuyên môn liên quan đến lĩnh vực tâm lý trị liệu cho các trẻ em, vị thành niên và gia đình.
Nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận và được sự đồng ý chấp thuận của Ủy ban Nhân dân quận Phú Nhuận, vào tháng 11-2001, Chi Hội đã được phép sử dụng một phần mặt bằng lầu 2 của Trạm Y tế Phường 3, Phú Nhuận để làm cơ sở hoạt động. Kể từ tháng 1-2002 đến nay, địa chỉ 29 Phan Xích Long, P.3, Phú Nhuận, Tp.HCM đã trở thành một nơi chốn sinh hoạt cho các trẻ em có các vấn đề trở ngại về tâm lý phát triển, cho các phụ huynh của các em, và đồng thời cũng là một nơi chốn để những cán bộ tâm lý trẻ tuổi đến sinh hoạt, gặp gỡ, học tập và thực hành chuyên môn.
Vì sao là TRĂNG NON?
Trong ý tưởng của những sáng lập viên, Trăng Non là hình ảnh của vầng trăng “trước ngày rằm”, tức là “trăng sắp tròn”. Có một chút tính chất thi vị khi ví hình ảnh của trăng sắp tròn với lứa tuổi trẻ em và vị thành niên, vì khi ấy, Chi hội Trăng Non có định hướng làm việc chủ yếu là để phục vụ cho các đối tượng ở những lứa tuổi này. Nếu “trăng tròn” tượng trưng cho tuổi mới lớn, thì “trăng non” là hình ảnh của tuổi chưa lớn hoặc sắp lớn vậy.
Tuy nhiên, ở trăng còn có một điểm đáng để ta chú ý, đó là dẫu khi ta thấy trăng tròn hay khuyết, thậm chí cả khi trăng không xuất hiện trên bầu trời hoặc bị mây che khuất, thì trăng vẫn luôn hiện diện ở một nơi nào đó và VẪN LUÔN TRÒN ĐỀU ĐẦY ĐẶN. Thế mới hay, cái mà ta thấy là trăng khuyết, trăng non, hay trăng tròn, vốn chỉ là cái hiện tượng được nhìn thấy bên ngoài chứ bản tính của trăng thì vẫn nguyên như thế không đổi. Một điều ngụ ý khác cũng có thể nêu ra ở đây là trăng thể hiện ra là tròn hay khuyết là tùy ở chỗ trăng được chiếu sáng đầy đủ hay không; khi được chiếu sáng đầy đủ ta hẳn sẽ nhìn thấy trăng tròn. Điều ngụ ý ấy cũng là điều tâm niệm của những thành viên Trăng Non khi làm việc với những trẻ em khiếm khuyết, những con người bất hạnh hoặc cả khi đang học tập, rèn luyện khả năng nghiệp vụ của chính bản thân mình.
Cái thay đổi của trăng trong cách thể hiện do thế vẫn không làm thay đổi bản chất của trăng; và trong suốt những chu kỳ hết tròn lại khuyết ấy, cái giai đoạn “trăng non” là giai đoạn thể hiện một hình ảnh về trăng với tính chất trẻ trung nhất, đầy tiềm năng nhất, đồng thời cũng mạnh mẽ và đầy sức sống nhất. Cũng vì thế mà từ khi hình thành Chi hội đến nay, cái tên Trăng Non được ngầm hiểu là một Ý TƯỞNG hơn là một CƠ CẤU hay một TỔ CHỨC; sự phát triển của Trăng Non thể hiện trên sự mở rộng và nâng cao về mặt ý tưởng phát triển ngành nghề nhiều hơn là sự gia tăng nhân sự hoặc mở rộng cơ sở hoạt động…
Trăng Non – Một trụ sở hướng đến phát triển việc học tập và thực hành tâm lý trị liệu
Trăng Non hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu, không chỉ cho đối tượng trẻ em có các vấn đề khó khăn về tâm lý và phát triển, mà còn cho cả đối tượng vị thành niên, thanh niên và các gia đình có vấn đề khó khăn về tâm lý, cảm xúc và khó khăn trong các mối quan hệ xã hội mà vì đó đã gây trở ngại cho sự phát triển và trưởng thành của bản thân.
Nhiều vấn đề khó khăn về tâm lý trẻ em và vị thành niên cần được phát hiện sớm để có thể có biện pháp hỗ trợ, tham vấn và trị liệu kịp thời, cả cho bản thân trẻ lẫn cho gia đình của trẻ.
Qua thời gian gần 8 năm hoạt động thực tế, Trăng Non đã làm việc với nhiều thân chủ gặp các vấn đề tâm lý phức tạp như:
- Các rối loạn phát triển ở trẻ nhỏ: tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động – giảm chú ý (ADHD), trẻ gặp khó khăn trong học tập…
- Các rối nhiễu tâm lý ở trẻ em như: đái dầm, ngỗ nghịch, ăn cắp, nói dối, sợ đi học, ám ảnh, lo âu, phạm kỷ luật ở trường, xung đột với bố mẹ…
- Các vấn đề tâm lý ở tuổi vị thành niên: kém thích nghi với học tập, khó khăn trong quan hệ xã hội, trầm cảm, lo âu, ám ảnh, ám ảnh sợ, nghiện ngập (ma túy, internet và game) …
Trụ sở chi hội Trăng Non chủ yếu được sử dụng với mục đích làm tâm lý trị liệu cho các trẻ em và thiếu niên có vấn đề khó khăn về tâm lý; bao gồm một phòng trò chơi trị liệu cho trẻ nhỏ và một phòng dành vừa để tiếp phụ huynh, vừa dành cho trị liệu các thân chủ vị thành niên và gia đình.
Trăng Non còn tham gia giúp huấn luyện, đào tạo những sinh viên cũng như các cán bộ đang làm việc và ứng dụng chuyên ngành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu thông qua đào tạo lý thuyết tại Đại học Văn Hiến, Hội KH Tâm lý Giáo dục Tp.HCM và các cơ sở thực hành khác, đồng thời Trăng Non cũng là cơ sở giúp đào tạo thực hành và kiểm huấn cho các sinh viên và cán bộ thực hành tự nguyện tham gia Trăng Non.
Tâm lý trị liệu là một tiến trình dựa trên việc thiết lập mối quan hệ có tính hỗ trợ giữa nhà trị liệu và thân chủ có nhu cầu hỗ trợ về tâm lý (một đứa trẻ, một thiếu niên hoặc một gia đình) – thông qua mối quan hệ và những tương tác với nhà trị liệu, các thân chủ sẽ có điều kiện để giải bày cảm xúc, thấu hiều bản thân, học tập những kỹ năng mới hoặc định hình những cách nhìn mới về cuộc sống… từ đó giúp cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của thân chủ.
Tâm niệm của chúng tôi là “Lấy sự học và làm tâm lý để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho bản thân và cho người khác”
Cũng từ cơ sở nhỏ bé này đã chắp cánh cho những thành viên trở nên trưởng thành hơn trong nghề nghiệp và tiếp tục bay cao, đi xa hơn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét